Sơ phác hệ sinh thái Năm Sao Group của doanh nhân Trần Văn Mười

Sơ phác hệ sinh thái Năm Sao Group của doanh nhân Trần Văn Mười

Khác với người anh – cố doanh nhân Trần Văn Cường, ông Trần Văn Mười lại chọn khởi nghiệp ở phía Nam trong lĩnh vực phân bón, để tới nay thành danh với Năm Sao Group – tập đoàn đa ngành hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, bất động sản, khách sạn.

Dự án đang mở bán: The Ocean View Vinhomes Ocean Park


    Trong các doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam, thì câu chuyện của doanh nhân Trần Văn Mười – Chủ tịch Tập đoàn Năm Sao (GFS Group) là trường hợp mang tới nhiều cảm hứng.

    Sinh ra trong gia đình 10 anh chị em ở miền quê nghèo Nam Định, ông Mười là em trai cố doanh nhân Trần Văn Cường – người sáng lập Tập đoàn Nam Cường lừng danh.

    Trước khi khởi nghiệp, doanh nhân sinh năm 1973 làm việc tập Tập đoàn Nam Cường với vị trí là đại diện khu vực phía Nam.

    Khác với người anh trai tập trung đầu tư bất động sản ở phía Bắc, ông Mười nhìn thấy cơ hội kinh doanh tại khu vực trung tâm nông nghiệp của cả nước và lập chi nhánh phân phối, cung cấp nguyên liệu phân bón cho các nhà máy, đại lý, cửa hàng tại khu vực phía Nam. Đó là vào năm 1994, khi ông vừa bước qua tuổi đôi mươi. Đến năm 1999, thương hiệu Năm Sao cũng chính thức ra đời. Ở thời điểm này, hoạt động của công ty chỉ là kinh doanh phân bón sản phẩm trong nước và hàng ngoại nhập.

    Năm 2004, công ty chính thức mở rộng quy mô sang lĩnh vực sản xuất, xây dựng nhà máy phân bón khi đầu tư xây dựng Nhà máy Phân bón Năm Sao tại Long An với tổng công suất là 300.000 tấn/năm. Đến năm 2009, tập đoàn tiếp tục để lại dấu ấn với một nhà máy cùng tên đặt tại tỉnh Kandal, Campuchia, với công suất 350.000 – 400.000 tấn/năm.

    Năm 2006, Năm Sao đã mua lại toàn bộ phần vốn nhà nước tại CTCP Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thuận (Bitagco) và trở thành cổ đông chiến lược sở hữu 84,03% vốn điều lệ. Bitagco hiện sở hữu mạng lưới kinh doanh rộng lớn bao gồm 9 chi nhánh với hơn 400 đại lý, tiêu thụ 100.000 tấn phân bón và 18.000.000 lít xăng dầu mỗi năm.

    Hiện nay, Năm Sao vẫn là thương hiệu phân bón hàng đầu ở phía Nam. Hệ sinh thái nông nghiệp tiếp tục được ông Trần Văn Mười mở rộng. Trực tiếp ông đứng tên Chủ tịch HĐQT tại loạt thành viên như CTCP Xuất nhập khẩu Vật tư Nông nghiệp III (Cajimex), CTCP Vật tư Nông nghiệp Vàm Cỏ Đông, Five Star International Fertilizer (Campuchia)…

    Nửa đầu năm, doanh thu của Bitagco – doanh nghiệp duy nhất trong hệ sinh thái Five Star Group được niêm yết trên sàn chứng khoán (HoSE: ABS) đạt 561 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng tài sản tới cuối tháng 6/2021 là 1.640 tỷ đồng, tăng tới 40% so với đầu năm.

    Tham vọng địa ốc

    Sau khi tích luỹ được nguồn lực từ lĩnh vực phân bón, Five Star Group tiến bước mạnh mẽ vào lĩnh vực bất động sản.

    Với lợi thế am hiểu thị trường Long An, Năm Sao Group là chủ đầu tư nhiều dự án lớn ở địa phương nằm cạnh TP.HCM, nổi bật là KĐT Five Star Eco City quy mô 195,9ha, vốn đầu tư 4.150 tỷ đồng tại huyện Cần Đước, được chấp thuận đầu tư năm 2009; ngoài ra còn dự án Khu dân cư Phước Lý tại huyện Cần Giuộc và huyện Long Khê có diện tích 419ha, vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng.

    Tại quê nhà Nam Định, Năm Sao Group có dự án Trung tâm thương mại và Công nghiệp Five Star Garden quy mô 23ha tại huyện Mỹ Lộc, có tổng mức đầu tư 690 tỷ đồng (35 triệu USD).

    Ở Hà Nội, khu đất 2,3ha dự án Xây dựng tổ hợp vui chơi giải trí Đống Đa, phường Trung Liệt, quận Đống Đa (thuộc quyền quản lý của Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp – Vigecam) từng là tâm điểm tranh chấp của Năm Sao Group và Tập đoàn T&T. Như Nhadautu.vn từng đề cập , Vigecam vào cuối năm 2015 được chấp thuận chuyển đổi chủ đầu tư cho Năm Sao Group.

    Tuy nhiên, sau đó, nhóm T&T Group tham gia cổ phần hoá và trở thành cổ đông chi phối Vigecam, số phận khu đất vàng 2,3ha trở nên thiếu rõ ràng. Giữa năm 2016, một số cơ quan truyền thông đã đăng tải thông tin Năm Sao Group “kêu cứu” trước nguy cơ mất dự án này. Dù vậy, Năm Sao Group ngày 27/12/2016 có văn bản số 197 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc không tham gia chuyển đổi chủ đầu tư dự án, đồng thời không tham gia cổ phần hoá Vigecam.

    Các bên dường như đã “chuyển thù thành bạn”, khi Ngân hàng SHB chi nhánh Tây Hà Nội và Chứng khoán SHS cuối năm ngoái còn thu xếp cho đợt phát hành lô trái phiếu “khủng” gần 4.000 tỷ đồng, gồm 2.230 tỷ đồng của Cajimex và 1.750 tỷ đồng của CTCP Tổng hợp Thế giới Xanh – một thành viên khác của Năm Sao Group.

    SHB Tây Hà Nội hiện nay, nên biết, cũng là nhà tài trợ vốn cho dự án Khu đô thị Năm Sao, cả giai đoạn 1&2 tại xã Phước Lý, Cần Giuộc, Long An. Tại giai đoạn 1 của dự này này, tỷ lệ góp vốn của Năm Sao Group, Cajimex và Thế giới Xanh lần lượt là 25%, 42% và 33%.

    Vào tháng 3/2020, CTCP Tổng hợp Thế giới Xanh đã báo cáo với Sở KHĐT Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về việc đầu tư vào Dự án đầu tư Khách sạn-căn hộ du lịch 5 sao FiveStar Odyssey 165 Thùy Vân, TP Vũng Tàu. Dự án có diện tích gần 8.200m2, tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng, trước đây do Năm Sao Group đề xuất đầu tư với tên gọi Khách sạn Medicoast.

    Cùng thời điểm, Cajimex đã có báo cáo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về dự án Khách sạn – căn hộ du lịch 5 sao FiveStar Poseidon 57-59 Thùy Vân, TP. Vũng Tàu, được xây trên diện tích 10.000m2 của Khách sạn Mỹ Lệ, thuộc sở hữu của CTCP Du lịch thương mại Nông nghiệp Việt Nam (Agritour). Tại Agritour, trước đây Năm Sao Group nắm 51,03%, pháp nhân có liên hệ CTCP Đầu tư Nông nghiệp Sài Gòn sở hữu 24,97%, trong khi Agribank có 23% còn lại.

    Agribank từ năm 2017 đến 2020 đã 4 lần thoái vốn khỏi Agritour. Dù vậy, phải đến lần thứ 5 (tháng 11/2020), ngân hàng này mới bán hết 5,29 triệu cổ phần Agritour với mức giá là 15.530 đồng/CP, tương đương thu về hơn 82,1 tỷ đồng. Bên mua là 2 cá nhân, sẽ không bất ngờ là “người” của Năm Sao Group, nếu nhìn vào tỷ lệ chi phối của tập đoàn này ở Agritour.

    Bất động sản lưu trú là trọng tâm đầu tư của doanh nhân Trần Văn Mười. Ở thành phố Đà Lạt, tập đoàn “gốc” Bắc sở hữu Khu biệt thự nghỉ dưỡng Happy Valley Da Lat Villa rộng 2,4ha hay Khu dinh thự Dalat Manoir Luxury 7 có quy mô 2,3ha. Công ty TNHH Didama – công ty có liên hệ tới Năm Sao Group, vào tháng 12/2016 được UBND tỉnh Lâm Đông cho thuê các biệt thự tại số 01, 03, 05, 07 Cô Giang, phường 9, thành phố Đà Lạt, với tổng diện tích đất 2.015 m2.

    Trụ sở Năm Sao Group hiện đặt tại cao ốc văn phòng hạng A Five Star Tower tại 28Bis Mạc Đĩnh Chi, P. Đa Kao, Quận 1. TP.HCM. Lô đất có diện tích 1.440 m2 ban đầu thuộc sở hữu của CTCP Vật tư nông nghiệp Vàm Cỏ Đông. Tại TP.HCM, Năm Sao Group còn giới thiệu một số dự án địa ốc như Khu đô thị mới Năm Sao, khu căn hộ cao cấp Five Star Riverside Luxury (385 Trần Xuân Soạn, Q.7); Five Star Pearl (2225 Phạm Thế Hiển, Q.8).

    Khoản lỗ bất ngờ của Năm Sao Group

    Dù nắm trong tay nhiều dự án lớn, song dữ liệu của Nhadautu.vn thể hiện, từ năm 2017 – 2019, Năm Sao Group (công ty mẹ) liên tục báo lỗ, với lỗ luỹ kế 3 năm lên tới hơn nửa nghìn tỷ đồng.

    Cụ thể, ở các năm 2017 và 2018, tập đoàn của ông Trần Văn Mười ghi nhận doanh thu thuần lần lượt đạt 765 tỷ đồng và 1.071 tỷ đồng, báo lỗ thuần ở mức 184,7 tỷ đồng và 160,6 tỷ đồng. Sang năm 2019, doanh thu thuần của công ty này đạt 1.805 tỷ đồng, tăng 68% so với năm trước, lỗ thuần ở mức 168,3 tỷ đồng.

    Thực trạng thua lỗ kéo vốn chủ sở hữu của Năm Sao Group về còn 334 tỷ đồng, so với vốn góp chủ sở hữu 900 tỷ đồng tới cuối năm 2019.

    Dù vậy, công ty vẫn đẩy mạnh hoạt động vay nợ. Cụ thể, tại ngày 31/12/2019, nợ phải trả công ty là 4.860,6 tỷ đồng, tăng 20% so với cuối năm 2017. Tổng tài sản tăng nhẹ từ 4.821 tỷ đồng lên 5.194 tỷ đồng.

    Sơ phác hệ sinh thái Năm Sao Group của doanh nhân Trần Văn Mười - Ảnh 1.

    Chưa thực sự hiệu quả là bức tranh chung trong hoạt động kinh doanh của hệ sinh thái Năm Sao Group.

    Tương tự tập đoàn mẹ, Nhà máy Phân bón Năm Sao cũng liên tục báo lỗ 54,7 tỷ đồng và 22,3 tỷ đồng trong những năm 2018 và 2019. Các khoản lỗ này đã đẩy vốn chủ sở hữu nhà máy xuống âm 77,7 tỷ đồng.

    Về phần mình, Vàm Cỏ Đông trong năm 2019 lỗ 13,3 tỷ đồng; Nông nghiệp Việt Nam lỗ 4,55 tỷ đồng…

    Hay, Agritour lỗ liên tục trong giai đoạn 2018 – 6T2020. Cụ thể, công ty lỗ sau thuế 1,4 tỷ đồng năm 2018, lỗ 4,5 tỷ năm 2019 và lỗ 3,7 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020.

    Có phần nổi bật hơn, giai đoạn 2017-2019, doanh thu của Cajimex (công ty mẹ) liên tục tăng trưởng, năm 2019 đạt 1.303 tỷ đồng. Lãi thuần theo đó tăng từ 2,9 tỷ đồng năm 2017 lên 12,5 tỷ đồng năm 2019.

    Trong khi đó, với Bitagco, dù doanh thu tăng mạnh trong nửa đầu năm 2021, tuy nhiên lãi sau thuế chỉ tăng nhẹ lên 8,5 tỷ đồng, so với 7,7 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) chỉ còn 109 đồng, giảm mạnh so với 266 đồng cùng kỳ, do Bitagco trong nửa đầu năm đã tăng mạnh vốn từ 374 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng.

    Theo Hoá Khoa

    Nhà đầu tư

    Tin tức bất động sản Bảo Minh Land

    https://ift.tt/3Cpon0Y Bất động sản, chủ tịch tập đoàn, doanh nghiệp gia đình, GFS, Hệ sinh thái
    Mới hơn Cũ hơn