Nở rộ đầu tư bất động sản Blockchain

Nở rộ đầu tư bất động sản Blockchain

Dù được xem là một xu hướng đầu tư phổ biến trên thế giới nhưng ở Việt Nam, hình thức này vẫn chưa có hành lang pháp lý để tránh rủi ro cho nhà đầu tư.

Dự án sắp mở bán: The Ocean View Vinhomes Ocean Park


    Manh nha ở Việt Nam từ đầu năm 2020, hình thức đầu tư bất động sản (BĐS) chia nhỏ trên nền tảng công nghệ Blockchain hay đầu tư BĐS thông qua NFT (Non-Fungible Token), một dạng tiền điện tử, đang dần được nhiều người quan tâm trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài khiến các hoạt động giao dịch nhà đất bị đình trệ.

    Mua chung bất động sản

    Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Việt Nam, thời gian qua có một số đơn vị đã triển khai hình thức mua chung BĐS và đưa công nghệ Blockchain vào quản lý. Cụ thể, hồi đầu năm 2020, Công ty CP Tập đoàn Thế Kỷ – CenGroup công bố nền tảng công nghệ đầu tư chung BĐS Revex, với chỉ từ 1 triệu đồng, nhà đầu tư có thể tham gia mua chung một BĐS tính trên 1 m2. Nhà đầu tư sau khi mua có thể đem đi cho thuê, cùng chia lợi nhuận theo tỉ lệ. CenGroup công bố chi 1 triệu USD để đầu tư vào nền tảng này.

    Mới đây, Công ty Moonka cũng chính thức đưa BĐS vào mua bán trên nền tảng Blockchain. Theo đó, Moonka giữ vai trò sàn trung gian liên kết giữa người bán và người mua. Sản phẩm là BĐS có thực, có sổ được chủ đất ký gửi và sẽ đi tìm các nhà đầu tư để mua chung một BĐS đó. Ví dụ, một căn nhà có giá 3,1 tỉ đồng sẽ được Moonka chia nhỏ khoảng 1.000 phần, gắn mã số Blockchain để chào bán, giá mỗi phần là 3,1 triệu đồng. Khách hàng có thể mua 1 hoặc nhiều phần của BĐS tiền tỉ. Khi mua chung, các nhà đầu tư có thể bán lại “cổ phần” cho nhau nếu muốn chốt lời. Sổ đỏ được Moonka nắm giữ 24/24 tại văn phòng của công ty và các nhà đầu tư có thể xem sổ đỏ miếng đất bất kỳ lúc nào. Khi đồng ý mua, khách hàng sẽ được cấp một tài khoản để quản lý, theo dõi khoản đầu tư của mình.

    Nở rộ đầu tư bất động sản Blockchain - Ảnh 1.

    Các nền tảng đầu tư bất động sản bằng công nghệ Blockchain xuất hiện ngày càng nhiều. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

    Theo đại diện Moonka, các BĐS mà Moonka quản lý đều được thẩm định kỹ pháp lý, giá bán. Đây là mô hình cùng đầu tư chung BĐS, chia sẻ tài chính thay vì một người không đủ tiền để mua 1 BĐS. Nếu số lượng nhà đầu tư nắm trên 51% BĐS thống nhất thì có thể bán ra hoặc ít hơn thì sẽ bán phần đầu tư của mình cho người khác…

    Hiện tại, ngoài hình thức sử dụng BĐS thứ cấp, đã hoàn thiện pháp lý để đầu tư chung thì còn có hình thức số hóa và đầu tư BĐS là dự án lớn, giá trị hàng chục đến hàng trăm triệu USD. Gần đây, một doanh nghiệp Singapore còn giới thiệu dự án của công ty triển khai tại Việt Nam giá trị đến hàng trăm triệu USD đang được các nhà đầu tư quốc tế tham gia.

    Một chuyên gia về đầu tư tiền số trên Blockchain nhận định với xu thế của công nghệ như hiện nay, điều quan trọng nhất của việc tham gia đầu tư dựa trên công nghệ Blockchain là độ an toàn, vì vậy cần quan tâm xem hội đồng kiểm định của sản phẩm này có uy tín hay không. Nếu đủ uy tín, khi quy đổi sản phẩm ra NFT, việc rao bán sẽ công bố và tồn tại trên Blockchain nên độ an toàn cao. Khả năng sinh lời khi tham gia đầu tư hình thức này khá cao, vì không chỉ tăng giá trị BĐS mà còn tăng do chính giá trị của sản phẩm…

    Người mua cần tỉnh táo

    Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA), cho biết hình thức đầu tư BĐS bằng công nghệ Blockchain đã phổ biến ở một số nước trên thế giới, thu hút những người có ít tiền nhưng muốn tham gia đầu tư BĐS. Hình thức này có thể xem là giải pháp triển vọng thay thế cho các hình thức đầu tư BĐS truyền thống đã dần lỗi thời.

    Theo ông Châu, việc mã hóa BĐS vẫn sơ khai nên chưa mở rộng với công chúng nhưng với sự cải tiến không ngừng của công nghệ, mô hình này chắc chắn sẽ phát triển và tác động lớn đến hình thức kinh doanh và cách sở hữu tài sản BĐS trong thời gian tới.

    Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp đầu tư các dự án BĐS lớn, bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land, cho biết trong khoảng 3 năm gần đây, một số tập đoàn BĐS lớn đã chi hàng triệu USD cho các giải pháp số hóa BĐS. Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn nhất hiện nay là các quy định pháp lý chưa theo kịp nhu cầu và tốc độ phát triển của việc ứng dụng các giải pháp công nghệ vào BĐS. Những người đi tiên phong sẽ chịu nhiều áp lực trong hoàn cảnh khung pháp lý chưa hoàn thiện phục vụ cho các giải pháp số hóa BĐS đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Nhất là khi mà dịch bệnh tác động ngày càng sâu sắc đến các hoạt động của nền kinh tế, thay đổi thói quen của người tiêu dùng.

    Cũng theo bà Hương, với một thị trường vốn hóa lớn lên đến hàng trăm tỉ USD như BĐS, nếu chỉ có phương thức giao dịch truyền thống đã không đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển chung của thị trường. Một trong những rào cản lớn của việc đầu tư BĐS là giá trị BĐS rất cao từ vài trăm triệu lên đến hàng chục tỉ đồng hoặc hơn. Blockchain giúp giải quyết dễ dàng bài toán chia nhỏ suất đầu tư thông qua hợp đồng thông minh (smart contract) với chỉ từ vài triệu đồng trở lên là có thể tham gia đầu tư BĐS. Điều này mở ra cơ hội rất lớn cho rất nhiều nhà đầu tư nhỏ và vừa tham gia vào thị trường, đồng thời thu hút nguồn lực đầu tư cả trong nước và nước ngoài.

    Luật sư Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch LP Group, cho rằng nhu cầu đầu tư bằng công nghệ tiền mã hóa là nhu cầu có thực, kể cả bên mua và bên bán. Nhưng hoạt động đầu tư BĐS ở Việt Nam có những nét đặc thù pháp lý về giao dịch và quyền sở hữu, việc so sánh hay học hỏi theo các quốc gia khác cần nhiều yếu tố, mà ở đó nhà nước giữ vai trò điều tiết. Tuy vậy, do đã từng xuất hiện nhiều mô hình lừa đảo đầu tư trên nền tảng công nghệ nên người mua cần tỉnh táo trước khi đầu tư. Đối với hoạt động kinh doanh mới như Blockchain BĐS, cơ quan chức năng liên quan cần có văn bản hướng dẫn và cảnh báo đến nhà đầu tư chứ không đợi đến khi xử lý rủi ro. Ví dụ, nếu chủ sở hữu nền tảng huy động vốn được đặt tại nước ngoài, việc kiểm soát là cần thiết để bảo đảm không có dấu hiệu rửa tiền, tài trợ khủng bố.

    Không phải kinh doanh bất động sản

    Theo luật sư Lê Văn Lộc, về pháp lý, việc mua chung BĐS trên nền tảng Blockchain không phải là kinh doanh BĐS, đó có thể là đầu tư tài chính hoặc đầu cơ trên nền tảng công nghệ. Hình thức này hiện nay pháp luật không cấm, kể cả hoạt động đó trên nền tảng công nghệ tài chính (Fintech) hay Blockchain. “Vì chưa có quy định nên chúng ta hãy quay về những giới hạn luật định để lấy đó làm tham chiếu khi xác định một mô hình có hợp pháp hay không” – luật sư Lộc nói.

    Theo Phạm Đình – Sơn Nhung

    Người lao động

    https://ift.tt/3nWfIPh Bất động sản, bất động sản Blockchain, đầu tư bất động sản, đầu tư tiền, hành lang pháp lý, hình thức đầu tư, nhà đầu tư
    Mới hơn Cũ hơn